Văn hóa Liêu_Ninh

Phố cổ Triều Dương

Viện Kinh kịch Thẩm Dương và viện Kinh kịch Đại Liên nằm trong số các viện và đoàn Kinh kịch trọng điểm tại Trung Quốc. "Nam Kỳ bắc quan ngoại đường", "Thẩm Dương đường" là những trường phái Kinh kịch trọng yếu. Bình kịch (评剧) bắt nguồn từ Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc cũng là một loại hình hí kịch phổ biến tại Liêu Ninh, trong đó có ba trường phái lớn bắt nguồn từ Thẩm Dương: Hàn Thiểu Vân (韩少云) sáng lập ra Liễu Hàn phái, Hoa Thục Lan (花淑兰) sáng lập ra Liễu Hoa phái, Tiểu Tuấn Đình (筱俊亭) sáng lập ra Liễu Tiểu phái. Nhị nhân chuyển (二人转) là một loại hình nghệ thuật dựa trên các điệu ca dân gian ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, hấp thụ nghệ thuật Liên hoa lạc (莲花落) của Hà Bắc, thêm vào vũ đạo, dáng bộ. Tại Liêu Ninh, các đoàn biểu diễn Nhị nhân chuyển nổi tiếng có đoàn Nghệ thuật Dân gian Thiết Lĩnh, tại Thẩm Dương có đại lão đài Lưu Lão Căn. Liêu Nam hí (辽南戏) là một thể loại tuồng địa phương tại tỉnh Liêu Ninh, hình thành từ huyện Cái. Sau năm 1949, loại hình này phát triển thành một thể loại kịch tuồng mới, đến năm 1961 thì được định danh là Liêu Nam hí. Tại Liêu Ninh cũng tồn tại loại kịch Tương thanh (相声). Trên bản đồ của nghệ thuật Tương thanh Trung Quốc, Thẩm Dương chỉ đứng sau Bắc Kinh và Thiên Tân.

Một số đoàn âm nhạc nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh là viện Ca kịch Liêu Ninh (辽宁歌剧院), nhạc đoàn Giao hưởng Liêu Ninh (辽宁交响乐团), nhạc đoàn ái nhạc Thẩm Dương (沈阳爱乐乐团), nhạc đoàn Dân tộc Liêu Ninh (辽宁民族乐团), nhạc đoàn ái nhạc Đại Liên (大连爱乐乐团).

Vũ đoàn Ba-lê Liêu Ninh (辽宁芭蕾舞团) được thành lập vào năm 1980, đương thời là một trong ba vũ đoàn Ba-lê lớn nhất Trung Quốc, cùng với Trung ương và Thượng Hải.

Ẩm thực Liêu Ninh (辽菜) được hình thành từ đầu thời Nhà Thanh, dựa trên cơ sở ẩm thực Sơn Đông và ẩm thực quan phủ, kết hợp các đặc điểm địa lý và thói quen ăn uống của người địa phương. Ẩm thực Liêu Ninh chú trọng vào cách cắt, cách múc và cách dùng lửa.

Du lịch

Thanh Vĩnh lăng tại Phủ Thuận

Liêu Ninh là một tỉnh có nhiều văn vật tại Trung Quốc, tính đến năm 2007 thì toàn tỉnh có trên 11.300 văn vật cổ. Cũng tính đến năm này, tỉnh Liêu Ninh có 53 văn vật được bảo hộ trọng điểm cấp quốc gia và 296 văn vật được bảo hộ trọng điểm cấp tỉnh. Đến năm 2007, Liêu Ninh có 9 khu phong cảnh danh thắng cấp quốc gia và 14 khu phong cảnh danh thắng cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, Liêu Ninh còn đưa vào các sản phẩm du lịch mới lạ như đi xe lửa hơi nước, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch phỏng cổ và du lịch thương vụ. Lễ hội Phục trang Đại Liên (大连国际服装节) cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.[23] Tính đến cuối năm 2011, tỉnh Liêu Ninh có 235 khu du lịch cấp A quốc gia, trong đó có 3 khu du lịch cấp 5A. Toàn năm 2011, tỉnh Liêu Ninh đã tiếp đón trên 329 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có trên 325,6 triệu lượt khách nội địa, 659 nghìn khách Hồng Kông, Ma CaoĐài Loan cùng 3,44 triệu lượt khách nước ngoài nhập cảnh.[32]

Cố cung Thẩm Dương là cung điện của các hoàng đế Nhà Thanh trước khi họ chinh phục được Trung Nguyên và thiên đô về Bắc Kinh. Mặc dù không lớn và nổi tiếng bằng Tử Cấm thành tại Bắc Kinh, song Cố cung Thẩm Dương là đại diện cho kiến trúc cung điện đương thời, và đã được liệt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO với vị thế là một bộ phận của "Các cung điện Hoàng gia của Nhà Minh và Nhà Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương".

Bên cạnh đó, Liêu Ninh còn có ba lăng mộ hoàng đế của Nhà Thanh, gọi là Thịnh Kinh tam lăng (盛京三陵): Thanh Phúc lăng (清福陵) tại Thẩm Dương-lăng mộ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thanh Chiêu lăng (清昭陵) tại Thẩm Dương-lăng mộ của Hoàng Thái Cực, Thanh Vĩnh lăng (清永陵) tại Phủ Thuận-lăng mộ của tổ tiên Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ba lăng mộ này là một phần của quần thể Lăng tẩm hoàng gia Minh-Thanh, một di sản thế giới của UNESCO.

Ngũ Nữ sơn thành (五女山), nơi khai sinh của vương quốc Cao Câu Ly, nay thuộc địa phận huyện Hoàn Nhân của tỉnh Liêu Ninh. Ngũ Nữ sơn thành là một phần trong quần thể Kinh thành và lăng mộ Cao Câu Ly, cũng là một di sản thế giới của UNESCO.

Tại Bản Khê, có sản phẩm du lịch đi thuyền qua một thạch nhũ lớn trong hang động và sông ngầm. Ở An Sơn có An Sơn Phật ngọc uyển (鞍山玉佛苑). Ở Liêu Dương, một trong các thành phố có người cư trú liên tục cổ nhất tại Đông Bắc Trung Quốc, cũng có một số di tích lịch sử như Liêu Dương Bạch tháp (辽阳白塔) được xây dựng lại nhiều lần từ thời nhà Liêu đến thời Nhà Thanh. Thành phố cảng Đại Liên cũng là một điểm đến của ngành du lịch Liêu Ninh, thành phố có các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, sở thú, hải sản, khu mua sắm, các kiến trúc từ thời thuộc Nga và thuộc Nhật cũng như tàu điện, một thứ hiếm thấy tại Trung Quốc. Đan Đông là thành phố biên giới giáp với Triều Tiên, từ đây người ta có thế trông thấy thành phố Sinuiju của Triều Tiên.